Dịch thuật là một công việc mang tính chuyên môn đòi hỏi những kỹ năng thực hành rất cao. Trong vai trò là một biên dịch viên, các bạn phải trang bị cho mình một kiến thức thật vững vàng về ngữ nghĩa, cách hành văn và nguồn gốc sâu xa của từ (cụm từ) để dịch chúng sang ngôn ngữ đích một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, điều này thực sự khó khăn nếu bạn chỉ là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc mới chỉ chập chững bước đầu vào nghề.

Đối với các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm thì nỗi sợ hãi lớn nhất chính là dịch sai ý. Vô hình chung các bạn đều có xu hướng tra kỹ nghĩa của từng từ và sau đó ghép lại cả câu. Điều này không sai, nhưng nó chỉ chứng tỏ một điều rằng, bạn chưa nắm được những nguyên tắc cốt lõi trong dịch thuật. Khi quyết tâm bước chân vào một ngành nghề nào đó, việc dụng công và dụng tâm là yếu tố tiên quyết hàng đầu để có thể “master” được bản thân. Dịch xuôi vốn đã không dễ dàng, thì đối với dịch ngược sẽ khiến bạn phải mất thời gian gần như gấp ba gấp bốn lần thông thường để chuyển từ một ngôn ngữ nguồn sang một ngôn ngữ đích. Hiện nay trong số các biên dịch viên dịch thuật của Master, nổi bật là một nữ dịch giả chuyên về lĩnh vực xây dựng với barem chuẩn là 20-30 phút cho mỗi trang dịch. Như trong những buổi cùng chia sẻ, chị cũng tiết lộ rằng để đạt được đẳng cấp dịch này, chị đã lăn lộn hơn 10 năm trong nghề, với nhiều đêm thức trắng search tìm tài liệu về hồ sơ thầu, quy chuẩn kiến trúc, và lặn lội tìm từng anh kỹ sư để hỏi về tên gọi tiếng Anh của từng công cụ dụng cụ vật liệu…

Bỏ qua vấn đề về chuyên môn, một dịch thuật viên còn phải giải quyết các sự cố liên quan đến khách hàng của họ (đối tượng được nhắc đến ở đây là các công ty dịch thuật, nhà xuất bản, agency…). Ví dụ một số vấn đề thường xuyên gặp phải như: hai bên hiểu sai ý văn bản gốc dẫn đến sai về cách dịch, trễ deadline, điều kiện thanh toán trễ…

Hãy cùng Master điểm qua 5 lỗi thường mắc phải nhất trong ngành dịch thuật.

DỊCH NGUYÊN VĂN THEO NGHĨA ĐEN

Rất nhiều dịch thuật viên chưa có kinh nghiệm đều mắc phải lỗi là dịch một văn bản theo từng chữ một. Là một dịch giả, bạn cần phải diễn giải ý nghĩa của bản gốc sang một ngôn ngữ đích sao cho bám sát với văn phong, ngữ nghĩa mà văn bản đó muốn chuyển tải đến mọi người. Mỗi hình thái ngôn ngữ đều có những quy tắc khác nhau về cách sử dụng mà bạn buộc phải nắm bắt trước khi bắt đầu dịch. Bạn phải hiểu được vị trí của chủ ngữ, tân ngữ, cấu trúc ngữ pháp… và những biến thể của nó. Chẳng hạn, bạn không thể dịch máy móc một văn bản tiếng Ả Rập sang tiếng Anh chỉ bằng Google vì bạn quên mất một điều rằng tiếng Ả Rập viết từ phải sang trái.

Lưu ý, hãy sử dụng từ điển bất kỳ lúc nào. Với công nghệ như hiện nay, bạn không cần thiết phải kè kè theo quyển từ điển dày cộm mà có thể tận dụng các trang từ điển online, từ lóng, một số đề xuất bản dịch… để hiểu rõ cách dùng của những từ ngữ đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể nắm bắt được ý nghĩa của từ ngữ thông qua người bản xứ để chắc chắn rằng văn phong chuẩn xác.

PHÓNG ĐẠI Ý NGHĨA CỦA TỪ NGỮ

Các dịch thuật viên mới bắt tay vào nghề thường có xu hướng phóng đại yêu cầu dịch bởi lẽ họ chưa nhiều kinh nghiệm, chúng ta vẫn hay gọi đây là hiện tượng dịch “thoát xác”, và một số người cho rằng điều này giúp họ có được bản dịch hoàn hảo hơn. Trên thực tế, điều này không được đánh giá cao khi bạn muốn trở thành một dịch giả chuyên nghiệp. Để chuyển tải một văn bản một cách hiệu quả nhất, điều quan trọng bạn cần nhớ đó là đừng phóng đại văn bản lên khi thực sự chưa hiểu rõ những từ ngữ chuyên ngành hay những câu cú phức tạp.

Trước tiên, bạn cần phải nắm bắt được những yêu cầu từ phía khách hàng của mình, sau đó cứ theo trình tự mà dịch. Cố gắng xác định được những lưu ý đặc biệt từ khách hàng bằng những câu hỏi mở để thu thập càng nhiều càng tốt về những yêu cầu của khách. Hỏi khách hàng xem họ sử dụng văn bản cho mục đích gì, nộp đi đâu, thời gian cần hoàn thành. Nếu chỉ dành cho cá nhân thì hãy dịch đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Nhưng nếu văn bản dùng cho mục đích xuất bản thì bạn phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn của bên nhà xuất bản.

DÙNG TỪ NGỮ KHÔNG CHUẨN XÁC

Một trong những lỗi dịch thuật dùng sai từ ngữ

Các biên dịch viên mới bắt tay vào nghề thường sử dụng ngữ nghĩa của từ sai văn cảnh. Chúng ta phải hiểu một sự thật rằng có những từ không thể dịch sang ngôn ngữ khác được. Ví dụ, rất khó để chuyển tải tương đương với cụm “Holy Grail” trong ngôn ngữ khác (“Chén Thánh” (Holy Grail hay Chalice) còn có xuất xứ một từ tiếng Pháp cổ là Sangreal. Theo cách lý giải thông thường, Sangreal hợp thành từ hai từ San (Thánh) và Graal (Chén)). Tương tự như thế, bạn cũng không thể dịch cụm  “Netilat Yadayim Shacharit” sang một ngôn ngữ khác. Bởi vì những từ ngữ này liên quan tới tiến trình văn hóa, tôn giáo nhất định, nên bạn không thể dịch chúng sang một bối cảnh tôn giáo khác vì người đọc sẽ rất khó để hình dung. Cách tốt nhất là hãy làm footnote để lý giải cụ thể hơn về từ và chỉ dịch dưới hình thức đề xuất.

Ngoài ra, dịch thuật viên có thể cảm thấy khó khăn trong việc phân biệt sự khác nhau giữa những danh từ chỉ giống đực và giống cái. Đối với ngôn ngữ này nó là “giống đực” nhưng sang ngôn ngữ khác thì lại hoàn toàn trái ngược. Ví dụ, từ “mặt trăng” được xem là giống đực trong tiếng Anh trong khi cũng từ này, sang tiếng Tây Ban Nha lại là giống cái. Hãy làm quen dần với sự tinh tế trong từng câu chữ để trở thành một dịch giả chuyên nghiệp.

THIẾU CÁC KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Khi bắt đầu nghề này, mọi người thường hình dung sẽ chỉ làm việc quanh bốn bức tường và ngồi miệt mài gõ chữ suốt 8-12 tiếng đồng hồ. Và mặc nhiên, các dịch thuật viên chưa có kinh nghiệm đôi khi lại là những người giao tiếp kém, họ xem nhẹ tầm quan trọng của một sự giao tiếp hiệu quả và dẫn đến việc cho ra đời những bản dịch nghèo nàn. Trong bất kì lĩnh vực nào cũng vậy, sự giao tiếp chính là cầu nối giữa bạn và khách hàng. Để xây dựng một sự thấu hiểu cặn kẽ đối với khách hàng, điều quan trọng đó chính là sự gắn kết với khách hàng trong giao tiếp hai chiều. Bạn cần tương tác với khách hàng ngay lúc bắt đầu quá trình dịch thuật. Với một kênh giao tiếp đủ mạnh, bạn có thể loại bỏ bất cứ sự hiểu nhầm nào với khách hàng, kết quả mang lại là bạn có được một bản dịch tốt hơn. Hãy hỏi khách hàng nhiều hơn về sản phẩm của họ, về mục đích dịch thuật, về những tư liệu tham khảo để làm phong phú hơn bản dịch của mình.

Điều này cũng áp dụng cho làm việc theo nhóm. Việc trao đổi thường xuyên với những người dịch khác trong cùng một dự án cũng sẽ giúp bạn thống nhất được cách dùng từ và tránh được việc dịch lặp lại khi mọi người cùng chia sẻ một bộ nhớ dịch thuật.

KHÔNG DỊCH THEO MỘT VĂN PHONG PHÙ HỢP

Những dịch thuật viên vừa bước vào nghề có thể không đủ kiến thức chuyên ngành để hiểu một cách cặn kẽ về những khía cạnh được đề cập trong văn bản. Điều này là bình thường vì có nhiều dạng văn bản khác nhau: văn bản chính thống (luật, tài chính, kinh tế…), văn bản kỹ thuật (hướng dẫn sử dụng, cẩm nang, hồ sơ thầu…), văn bản nghệ thuật (thơ, văn chương, bút ký, lược sử…). Do chưa quen với phong cách của ngôn ngữ gốc nên vô hình chung, dịch thuật viên sẽ dịch văn bản một cách máy móc mà không suy tính liệu nội dung đưa ra có phù hợp với phong cách viết của tác giả hay không. Điều này vô tình đã làm thay đổi đi bản chất vốn có của văn bản, dẫn đến việc đánh mất đi linh hồn của bài viết đó. Do đó, để chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa thực sự của một chủ thể văn bản, điều quan trọng là hãy nắm bắt được thần thái của tài liệu gốc rồi hẵng tiến hành dịch nó. Ví dụ dịch một tài liệu về sắc luật phải dùng câu từ, văn phong nghiêm túc (có phần cứng nhắc, quy củ) so với một bản dịch kịch bản phim truyện. Để trở thành một dịch giả xuất chúng, bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức cho khía cạnh này của nghề dịch thuật.